Những nguyên tắc về cộng hòa và dân chủ phôi thai từ thời Cộng hòa La Mã Cicero

Cicero viết về nhiều lĩnh vực: chính trị, đạo đức, hùng biện… Trong đó, ông đặt ra và khảo sát những câu hỏi mang tính nền tảng. Thế nên sẽ không ngoa khi khẳng định ông là một triết gia, dù tầm vóc của ông đến đâu là điều còn phải bàn. Đặc biệt, về chủ đề chính quyền, các tác phẩm của ông rất đáng chú ý bởi chúng không phải là sản phẩm thuần túy tư tưởng, mà được kết tinh từ chính hiểu biết sâu sắc, và kinh nghiệm chính trường dày dạn của ông sau những tháng năm hoạt động trong hệ thống chính quyền Cộng hòa La Mã – một chính quyền vĩ đại nhất thời bấy giờ.

Cicero giải thích về mặt lý thuyết rằng cơ sở cho sự tồn tại và vận hành của chính quyền chính là Công lý. Bản chất tự nhiên của con người là bất công: lớn thắng nhỏ, mạnh thắng yếu. Chính Công lý mới đem lại tiến bộ, bởi Công lý là một phẩm chất mà con người phải xây dựng, nó đem lại lợi ích xứng đáng cho tất cả mọi người, không từ một ai. Mà muốn như vậy, thì con người phải hợp tác cùng nhau và chịu sự ràng buộc với nhau theo cách nào đó. Cách hợp tác đó, theo Cicero, chính là xây dựng một chính quyền để quản lý mọi vấn đề trong nước, và yếu tố ràng buộc chính là luật pháp.

Cicero cũng cho rằng, mọi tầng lớp trong xã hội đều phải có tiếng nói của mình trong chính quyền, nếu một tầng lớp chiếm thế áp đảo hơn, nắm nhiều quyền hơn, được nhiều lợi ích phi lý hơn, thì đồng nghĩa là Công lý đã bị khiếm khuyết. Do đó theo ông, một chính quyền lý tưởng là một chính quyền kết hợp được cả ba thể loại: quân chủ chuyên chế, chính trị đầu sỏ, và dân chủ. Quân chủ chuyên chế là loại hình cổ xưa nhất mà chính La Mã cũng đã từng thi hành. Nhưng theo ông, đó không đúng nghĩa là chính quyền, bởi nó chỉ phục vụ cho mỗi lợi ích của người làm vua. Tương tự như vậy, hình thức chính trị đầu sỏ là dạng chính quyền thuộc về tầng lớp quý tộc, và hẳn nhiên, nó cũng bỏ qua lợi ích của người bình dân. Riêng về hình thức dân chủ, ông đã sớm nhìn ra rằng: nếu dân chủ một cách tuyệt đối - với mọi vấn đề do toàn thể nhân dân quyết định trực tiếp, thì đó chẳng qua là tình trạng hỗn loạn đằng sau tấm bình phong “tự do”. Chính quyền Cộng hòa La Mã trong thực tế rất gần với quan niệm của ông – dù rằng trong thời gian tồn tại khoảng 500 năm, nó đã chuyển biến và thay đổi nhiều.[3]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cicero http://www.intratext.com/Catalogo/Autori/AUT76.HTM http://www.qfrases.com/english/cicero.php http://www.thelatinlibrary.com/cic.html http://community.middlebury.edu/~harris/LatinAutho... http://cicero.missouristate.edu/cicero.htm http://classics.mit.edu/Plutarch/cicero.html http://www.perseus.tufts.edu/cache/perscoll_Greco-... http://www.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?doc=Per... http://www.uah.edu/student_life/organizations/SAL/... http://www.utexas.edu/depts/classics/documents/Cic...